Nguồn gốc Tam_quốc_chí_bình_thoại

Các chuyện kể về các nhân vật Tam quốc đã xuất hiện ngay từ thời Tam quốc dưới dạng những giai thoại lưu hành phổ biến khắp nơi. Chẳng hạn như câu chuyện Khổng Minh lấy vợ, Gia Cát chết dọa Trọng Đạt sống. Trong bài biểu dâng lên vua Tấn vào năm Thái Thủy thứ 10 (272), Trần Thọ có nói: “lê dân nghĩ nhớ, truyền tụng sự tích. Đến nay dân của hai châu Lương, Ích vẫn còn truyền kể chuyện về Lượng, lời như còn vẳng bên tai”[1]. Những chuyện kể này tiếp tục phát triển trong thời kỳ Lưỡng Tấn, Nam Bắc triều cho đến thời Đường. Nhà thơ Lý Thương Ẩn đã ám chỉ đến một chuỗi những câu chuyện về đề tài Tam quốc.

Thời Tống, thuyết Tam phân trở thành một trong ba đề mục quan trọng trong nghệ thuật kể chuyện miệng. Sự phát triển của loại hình này đã làm nảy sinh nhu cầu biên soạn thoại bản cũng như cung cấp chất liệu chuyện kể cho việc biên soạn ấy. Một trong những thoại bản đó chính là Tam quốc chí bình thoại.